Trong hàng thế kỉ qua, toàn nhân loại đã phải đối mặt với rất nhiều căn dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là những căn bệnh truyền nhiễm, chúng nguy hiểm và khó kiểm soát, và bản thân chúng đã đang và sẽ có thể đe dọa đến nhiều sinh mạng con người cũng như sự sống trên toàn cầu.
Hãy cùng điểm tên những căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ mà nhân loại đã từng và đang phải đối mặt!
Bệnh truyền nhiễm là gì?
Bệnh truyền nhiễm đã được biết tới từ thời cổ xưa, khi đó được người ta biết đến với tên gọi là “Bệnh dịch” để nói lên tính chất nặng và phát triển rộng của bệnh. Trong thời kì đó, người ta cho rằng bệnh có liên quan đến “Khí độc”. Vào thế kỷ XVI đã ra đời học thuyết về “Lây” thay cho quan niệm “Khí độc”.
Thuyết về sự lây bệnh từ người bệnh này sang người lành được D.S.Samoilovitra đề xuất vào năm 1784, với giả thuyết này tác giả cho rằng căn nguyên gây ra bệnh truyền nhiễm mà trong đó có bệnh dịch hạch là cơ thể sống rất nhỏ bé.
Tuy vậy mãi cho tới đầu thế kỷ XIX, cùng với sự ra đời của kính hiển vi, những căn cứ khoa học về bệnh truyền nhiễm mới được chứng minh bởi việc tìm ra một số vi khuẩn mà công đóng góp thuộc về các nhà bác học đi đầu như L. Pasteur, R. Koch, I. Mechnhicốp, G. Minx, D. Ivanôpski…
Những thành tựu về vi khuẩn học ở nửa cuối thế kỷ XIX là cơ sở để tách bệnh truyền nhiễm khỏi bệnh học nội khoa chung bởi những nguyên lý khoa học riêng của nó. Sự phát sinh và phát hiện ngày càng nhiều các vi sinh vật gây bệnh làm cho các mặt bệnh truyền nhiễm ngày càng phong phú.
Ngày nay số bệnh truyền nhiễm đã được nghiên cứu lên tới hàng trăm và theo sự phát triển thì sẽ có thêm những bệnh mới được đưa vào danh mục các bệnh truyền nhiễm.
Theo các tài liệu nghiên cứu đã chỉ rõ, bệnh truyền nhiễm là loại bệnh nhiễm trùng với mầm bệnh là các vi sinh vật, chúng có khả năng lây lan từ người này sang người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi trường trung gian (đường hô hấp, máu, nước bọt, da, niêm mạc…) và có khả năng phát triển thành bệnh dịch.
Người bị nhiễm khuẩn không nhất thiết là đã có bệnh, nhưng những người lành mà bản thân họ mang mầm bệnh thì vẫn có nguy cơ lây truyền cho người khác khi gặp điều kiện thuận lợi.
Và chú ý rằng khi có là bệnh nhiễm trùng nhưng không có khả năng phát triển thành dịch thì không gọi là bệnh truyền nhiễm.
Đặc điểm của bệnh truyền nhiễm
Tác nhân gây bệnh
Thông thường, mỗi căn bệnh truyền nhiễm đều xuất phát từ những tác nhân riêng, thống kê lại thì các tác nhân chính đó là:
- Vi khuẩn: chúng là những sinh vật gây ra các bệnh như viêm họng, nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh lao.
- Virus: là nguyên nhân của vô số bệnh khác nhau, từ những cơn cảm lạnh thông thường đến AIDS.
- Nấm: tác nhân gây ra nhiều bệnh ngoài da, có thể là da chân, tay, hay trên thân mình,…Nấm có thể lây nhiễm nhanh qua phổi hoặc hệ thần kinh.
- Ký sinh trùng: là những chủng vi sinh vật rất nhỏ kí sinh trên cơ thể các loài động vật, bò sát,.. có thể truyền vào cơ thể người khi con người tiếp xúc với những vật chủ mang chúng trên mình. Đặc biệt, có những loại ký sinh trùng có thể được truyền qua cho con người từ phân động vật.
Diễn biến bệnh
Tùy vào mỗi loại bệnh khác nhau mà bệnh nhân có những biểu hiện về bệnh khác nhau, trong đó một số căn bệnh có các dấu hiệu giống như các bệnh thông thường mà chúng ta gặp phải như cảm lạnh hay sốt.
Tổng chung lại có thể thấy được các căn bệnh truyền nhiễm thường có các dấu hiệu và triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ho nhiều, biến dạng trên cơ thể hay bên trong cơ thể,…
Mỗi một căn bệnh đều có tác động xấu tới cơ thể, một người bệnh thông thường đều sẽ trải qua các thời kì của bệnh. Và đối với bệnh truyền nhiễm, diễn biến này bao gồm 5 thời kì:
1. Thời kỳ nung bệnh
Thời kỳ nung bệnh hay còn gọi là ủ bệnh tính từ lúc mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể người cho tới trước khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Trong thời kỳ này, người bệnh không cảm thấy có triệu chứng gì. Đây chính là nguyên nhân mà các ca bệnh không phát hiện được bệnh tình kịp thời.
Thời kỳ nung bệnh dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào từng loại bệnh, số lượng và độc tính của mầm bệnh, bên cạnh đó là sức đề kháng của cơ thể. Thời kỳ này có thể rất ngắn (hàng giờ) nhưng có thể rất dài (hàng tháng). Có không ít trường hợp người nhiễm bệnh mang mầm bệnh kéo dài (thể tiềm tàng hoặc thể người lành mang khuẩn).
2. Thời kỳ khởi phát
Thời kỳ khởi phát được tính từ khi những triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện nhưng nó chưa phải là đến lúc bệnh nặng và rầm rộ nhất.
Bệnh truyền nhiễm có thể khởi phát theo một trong 2 kiểu: từ từ hoặc đột ngột. Một trong những triệu chứng khởi phát phổ biến là sốt do hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều có sốt.
3. Thời kỳ toàn phát
Thời kỳ toàn phát bắt đầu là lúc bệnh phát triển rầm rộ nhất và thể hiện đầy đủ các triệu chứng nhất, đồng thời cũng là lúc bệnh nặng nhất.
Bên cạnh các triệu chứng của bệnh, các biến chứng cũng thường hay gặp trong thời kỳ này. Trong cùng một lúc có thể biểu hiện nhiều triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau như: da, mắt, nội tạng,…
4. Thời kỳ lui bệnh
Thời kỳ lui bệnh có trong trường hợp người bệnh có sức chống đỡ của cơ thể tốt, cộng thêm do tác động của điều trị, mầm bệnh và các độc tố của chúng dần dần được loại trừ ra khỏi cơ thể. Người bệnh sẽ cảm thấy đỡ dần.
Những triệu chứng của bệnh ở thời kỳ toàn phát cũng dần dần mất đi. Riêng một số bệnh có diễn biến kéo dài, có thể tái phát hoặc để lại hậu quả nghiêm trọng.
5. Thời kỳ hồi phục (Thời kỳ lại sức)
Thời kỳ hồi phục hay còn gọi là giai đoạn lại sức diễn ra sau khi mầm bệnh và độc tố của chúng được loại trừ ra khỏi cơ thể người bệnh. Khi đó những cơ quan bị tổn thương dần dần bình phục và trở lại hoạt động hầu như bình thường, chỉ còn những rối loạn không đáng kể.
Bệnh nhân có thể ra viện về nghỉ ngơi hoặc có thể tiếp tục lao động, làm việc được tuỳ theo khả năng bình phục và chỉ định của bác sĩ. Tuy vậy họ cần phải được tiếp tục theo dõi bởi vì một số trường có tái phát.
Phương thức lây truyền
Bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm ở chỗ chúng có khả năng lây lan và phát tán bệnh rất rộng và qua nhiều con đường khác nhau. Có hai phương thức lây truyền bệnh chính là truyền ngang và truyền dọc:
- Truyền ngang:
Qua không khí: Các chủng phát tán bệnh được lan truyền vào không khí qua đường hô hấp. Các giọt keo nhỏ vi sinh vật bay trong không khí, bắn ra khi thở, ho hay hắt hơi.
Qua đường tiêu hóa: các vi sinh vật là mầm bệnh có thể từ phân vào cơ thể qua thức ăn hay nước uống bị nhiễm.
Qua tiếp xúc trực tiếp, qua vết thương, qua quan hệ tình dục, hôn nhau hoặc qua đồ dùng hằng ngày.
Qua động vật cắn hoặc côn trùng cắn.
- Truyền dọc: từ mẹ truyền sang con qua nhau thai, nhiễm khi sinh nở hoặc qua sữa mẹ, quá trình này sẽ dẫn đến các triệu chứng viêm hay đau xuất hiện sau một thời gian ủ bệnh.
Điểm mặt những đại dịch bệnh truyền nhiễm trong lịch sử
HIV/AIDS
Nhắc đến HIV/AIDS người ta sẽ nghĩ ngay đến cái tên “căn bệnh thế kỉ” bởi sự khủng khiếp mà nó đã gây ra với nhân loại. Trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được ghi nhận là một người Mỹ nằm trong cộng đồng đồng tính vào năm 1981.
Sự xuất hiện của AIDS trong đã dẫn đến một đại dịch toàn cầu, với số lượng t ử v.ong hàng chục triệu người. Các nhà khoa học tin rằng nguồn gốc của căn bệnh là từ một virus trong khỉ và tinh tinh từ Tây Phi, và sự lây lan của virus từ khỉ sang người bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ 20.
HIV sẽ tàn phá hệ thống miễn dịch bên trong cơ thể, làm cho những căn bệnh cơ hội có điều kiện để giết chết người bệnh. HIV/AIDS được coi là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Nó lây lan qua đường máu, tình dục, từ mẹ sang con. Ma túy, mại dâm cũng như việc tái sử dụng kim tiêm một cách vô tội vạ, chính con người đã tự mình dọn đường để căn bệnh này lây lan với tốc độ chóng mặt.
Mặc dù đã có phương pháp điều trị nhưng đã có 35 triệu người chết kể từ khi nó được phát hiện.
Cho đến nay, vẫn chưa có một phương thuốc nào có thể tiêu diệt hoàn toàn HIV. Tuy nhiên đã có nhiều loại thuốc giúp ngăn chặn virus HIV phát triển và kéo dài sự sống cho người bệnh.
Dịch hạch
Dịch hạch được ghi nhận xuất hiện vào 3 quãng thời gian trong lịch sử.
Đầu tiên nó bắt đầu tại Ai Cập, sau đó lan nhanh qua Palestine và đế chế Byzantine rồi tiến thẳng vào vùng địa trung hải. Bệnh được ghi nhận là đợt dịch hạch đầu tiên của nhân loại, lan ra nhanh chóng vì mầm bệnh nằm trong chuột và bọ chét mà chúng thì được vận chuyển rất nhiều qua những chuyến hàng giao thương.
Sau đó, vào năm 588, nó lây lan sang Pháp với mức độ nghiêm trọng hơn, giết tới 25 triệu người dân. Và trong vòng 800 năm sau đại dịch này, châu Âu không bị đại dịch nào tấn công thêm nữa.
Tổng cộng, Dịch hạch Justinian đã giết khoảng 100 triệu người trên toàn thế giới, làm giảm 50% dân số châu Âu vào giai đoạn năm 541 tới 700 và khoảng 26% dân số thế giới.
Sự trở lại của dịch hạch với cái tên Cái Chết Đen diễn ra trong ba năm liên tục kể từ năm 1347, đã có 25 triệu người chết tại riêng châu Âu, ngoài ra còn hoành hành ở châu Á và khu vực Trung Đông, biến đây trở thành một đại dịch toàn cầu.
Vào thế kỉ 18 thì người ta ghi nhận đã có 137 triệu người chết và nó đều giết 50% dân số tại những khu vực mà nó bộc phát. Người ta nói rằng tốn đến 150 năm để có thể khôi phục lại lượng dân số trước khi đại dịch này xảy ra, và nó thay đổi rất lớn cấu trúc xã hội lúc bấy giờ.
Và lần ba diễn ra vào năm 1855, bắt nguồn từ Trung Quốc, sang Ấn Độ và Hồng Kông. Nó đã ảnh hưởng đến 15 triệu người. Ban đầu nó lây lan từ những con bọ chét từ Vân Nam và lan rộng đi khắp nơi và được xác định là tồn tại cho tới tận năm 1960, khi mà lượng người bị nhiễm xuống dưới con số vài trăm thì người ta mới yên tâm là đại dịch đã kết thúc.
Dịch cúm Tây Ban Nha
Đại dịch này được biết đến trên toàn thế giới với tên cúm Tây Ban Nha, vì Tây Ban Nha bị ảnh hưởng nặng nề bởi căn bệnh này. Nó xuất phát từ virus cúm A có tên là H1N1 và lây lan rất nhanh trong qua không khí.
Dịch cúm Tây Ban Nha năm là đại dịch toàn cầu lớn nhất với 500 triệu người, tức khoảng một phần ba dân số thế giới vào thời điểm đó nhiễm bệnh. Đại dịch làm khoảng 20-50 triệu người thiệt mạng. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở châu Âu, sau đó lan sang Mỹ và một phần châu Á.
Nó nguy hiểm vì biểu hiện ban đầu chỉ tương tự cúm thường. Khi ở thể nặng, da bệnh nhân chuyển sang màu xanh, ho dữ dội dẫn tới ói mửa, tiểu tiện không tự chủ. Virus tấn công mạnh vào phổi và nhiều nạn nhân chết vì viêm phổi.
Đến mùa hè năm 1919, đại dịch cúm chấm dứt, vì những người bị nhiễm bệnh đã chết hoặc đã phát triển được miễn dịch.
Đậu mùa
Đậu mùa là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất mà con người từng gánh chịu với tỉ lệ tử vong lên đến 30%.
Đậu mùa được gây ra bởi 2 loại virus là virus Variola major và Variola minor, đây là căn bệnh truyền nhiễm chỉ xuất hiện ở loài người. Các virus đậu mùa gây bệnh trong các mạch máu nhỏ ở dưới da, vùng miệng và cổ họng.
Bệnh đậu mùa còn có khả năng lây lan qua việc hít phải các virus có trong không khí, từ các dịch ở vùng họng, vùng mũi, lớp niêm mạc họng của người bị nhiễm bệnh. Người mắc bệnh đậu mùa sẽ sốt cao, đau nhức cơ thể, phát ban với mụn cứng hoặc mụn mủ.
Năm 1796, vacxin kiềm chế đậu mùa đã được điều chế nhưng đến nay dịch bệnh này đôi khi vẫn bùng phát trở lại.
SARS
SARS là tên viết tắt của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng do loại virus mang tên virus SARS gây ra. Đại dịch SARS bùng phát ở Hồng Kông rồi nhanh chóng lan tỏa ra các nơi khác thành một đại dịch lớn. Chỉ trong vòng vài tuần dịch SARS đã lây lan sang 37 quốc gia trên thế giới vào đầu năm 2003.
Khoảng 8.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh và 800 người tử vong. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm đều bị viêm phổi và lây nhiễm do tiếp xúc với chất dịch (đờm, nước mũi, nước bọt) từ người bệnh.
Ebola
Đại dịch Ebola do virus Ebola Zaire gây ra là nỗi khiếp sợ của toàn nhân loại trong năm 2014. Ebola khởi phát tại Guine và nhanh chóng lây lan mạnh mẽ qua các vùng Guinea, Sierra Leone, Liberia. WHO xác nhận gần 7.000 trường hợp t ử v.ong vì virus này. Sức tấn công mạnh của đại dịch khiến 70% dân số Tây Phi nhiễm bệnh.
Hiện tại, đại dịch này đã được kiểm soát song người ta vẫn chưa tìm ra cách phòng ngừa Ebola. Các hoạt động khoa học thử nghiệm vaccine đang được đẩy mạnh từng ngày.
Corona
Sau đại dịch SARS và Ebola, thế giới lại đang bắt đầu đón nhận đợt dịch truyền nhiễm mới có tên virus Corona mới năm 2019 (gọi tắt là 2019 nCoV). Nguyên nhân gây nên dịch bệnh này do chủng Virus Corona, nó là chủng Virus hô hấp mới. Dịch bệnh mới này bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc và bùng phát mạnh trong vài tuần trở lại đây.
Hiện tại ghi nhận đây là chủng Virus Corona mới chưa từng xuất hiện ở người mà nó bắt nguồn từ động vật có thể là dơi hay rắn, và chúng có khả năng lây từ người sang người thông qua các phương thức như các bệnh truyền nhiễm khác.
Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh. Đây chính là mối nguy hiểm và là điều gây ra việc nó dễ dàng lây nhiễm.
Theo báo cáo ở bệnh nhân mắc 2019-nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu chứng: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Hiện nay, các nhà khoa học đang gấp rút thực hiện các phương pháp nghiên cứu để tìm ra cách để áp chế chủng Virus mới này. Và trong khoảng thời gian dịch bệnh đang diễn ra, để chủ động phòng chống bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
- Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Kết luận
Những căn bệnh truyền nhiễm từ trong lịch sử cho đến bây giờ luôn đem đến mối nguy hiểm cho nhân loại. Tất cả đều bắt nguồn từ những mầm bệnh đặc biệt và lây lan một cách khó kiểm soát.
Đứng trước các căn bệnh truyền nhiễm như dịch 2019-nCoV hiện tại, bản thân mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ bản thân là điều quan trọng nhất.
Tuân thủ và đặc biệt chú ý các biện pháp bảo vệ cơ thể trước khả năng nhiễm bệnh cũng chính là bảo vệ cho người thân và cả cộng đồng.
Nội dung hữu ích, chất lượng. Mong tác giả cố gắng phát huy.